Đông Cứu – Làng nghề duy nhất thêu long bào tại Hà Nội

Đời Sống Văn Hóa Văn hóa
Mất:4 phút, 45 giây để đọc

Long bào là trang phục của vua chúa thời xa xưa. Là biểu tượng cho sự quyền uy của hoàng đế thời phong kiến. Theo dòng phát triển lịch sử, nghề thêu long bào dần mai một đi. Các mặt hàng như áo quan, long bào đều là sản phẩm cao cấp. Ngày nay, áo long bào chỉ còn sử dụng làm trang phục trên phim trường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm dần thu hẹp lại. Các nghệ nhân đành phải làm các mặt hàng khác để kiếm sống. Dần dần nghề thêu long bào đang dần mai một đi. Ngày nay chỉ còn tồn tại một số ít làng nghề, một trong số đó là Làng Đông Cứu.

Làng Đông Cứu tọa cách trung tâm Hà Nội 15km về hướng nam theo quốc lộ 1A. Ngôi làng thuộc xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội. Nơi vốn nổi tiếng bởi nghề thêu long bào từ thế kỷ 17. Làng Đông Cứu nổi tiếng với các mặt hàng như long bào, tranh thêu, áo quan… Sản phẩm ở đây có mặt hầu hết trên cả nước. Dù công nghệ thêu bằng máy đã phát triển, nhưng làng vẫn giữ được nét đẹp nghề thêu tay.

Làng Đông Cứu

Đặc trưng ở làng thêu Đông Cứu đó là thêu kim tuyến trên long bào

Gia đình anh Vũ Văn Giỏi đã trải qua 5 đời làm nghề thêu. Theo anh, thêu trang phục cung đình phải tuân thủ theo rất nhiều quy tắc. Chẳng hạn, long bào của Vua dù có thêu bao nhiêu mũi thì các mũi phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài. Chỉ thêu long bào phải là chỉ se hai chiều. Trong khi áo Hoàng hậu lại là chỉ se một chiều. Riêng long bào của Vua, mỗi gam màu lại có năm sắc độ khác nhau. Cho nên phải dùng khoảng 200 màu chỉ thêu. Đấy là chưa kể một loạt kỹ thuật đặc biệt được ứng dụng trong thêu những họa tiết khó, phức tạp.

Một người thợ muốn thành thạo được lối thêu cổ thì phải học nghề ít nhất 5 năm

Nghệ nhân nhân dân Vũ Văn Giỏi bật mí rằng. Thêu nghệ thuật thì người nghệ nhân có thể tự do sáng tác. Nhưng thêu Cung đình lại đòi hỏi bắt buộc theo lề lối khác biệt hẳn với thêu thông thường. Chỉ hoàn toàn được làm bằng tơ tằm. Mỗi một trang phục lại phải dùng một loại chỉ khác nhau, không loại nào giống loại nào.

Chỉ nguyên liệu đã vậy, lối thêu cũng hoàn toàn khác biệt. Mỗi hoa văn, họa tiết có cách thêu khác nhau và đòi hỏi tỉ mỉ từng chi tiết. Màu sắc cũng phải uyển chuyển, hài hòa theo ngũ sắc thời xưa. Thiên nhiên có màu sắc gì thì trong đó phải có màu sắc đó. Bản thân nghệ nhân Vũ Văn Giỏi đã nghiên cứu, phục dựng cách thêu Cung Đình từ năm 1993 đến năm 1998, mất 5 năm mới thành công được 1 cái áo.

Kỹ thuật thêu Đông Cứu có nhiều điểm đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có như: nhồi vòng quanh kim tuyến, thêu quắn… các kỹ thuật này tạo ra chênh lề, ghệch độn hết sức độc đáo mà nghệ nhân thêu gọi đó là ngôn ngữ thêu.

Sự tỉ mỉ không chỉ ở lúc thêu mà trước đó các công đoạn như chọn chỉ tơ, chọn sợi kim tuyến, vẽ màu, sáng tạo hình ảnh, in kiểu lên vải cũng vô cùng cầu kỳ, tỉ mẩn. Tuy là một màu chỉ, một mũi kim nhưng với bàn tay của các nghệ nhân, các đường viền trở nên mềm mại, uốn lượn và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Nét đẹp lộng lẫy trên từng sản phẩm

Những đường viền mềm mại, uốn lượn nhẹ nhàng, không giống với bất cứ sản phẩm thêu ở nơi nào

Để có thể hoàn thiện được những bộ long bào phục chế, nhiều xưởng thêu trong làng Đông Cứu phải cất công đi đặt từng mét vải ở những làng nghề có uy tín như Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Nha Xá (Duy Tiên, Hà Nam)… Đối với những đơn đặt hàng lớn, người thợ Đông Cứu đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu nguyên liệu, màu sắc, lối thêu… Chủ yếu phục vụ cho mục đích trưng bày tại các bảo tàng, phục vụ lễ hội, tín ngưỡng dân gian, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc…

Những đường viền mềm mại trên sản phẩm

Không chỉ tạo ra các sản phẩm thêu độc đáo, có một không hai phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Làng Đông Cứu còn là một điểm du lịch lý thú thu hút nhiều khách du lịch.

Khâu chọn vải phải lựa chọn những làng nghề có uy tín

Làng nghề thủ công truyền thống thêu Đông Cứu đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tạo tiền đề để bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm tại địa phương.

Mỗi sản phẩm làm ra không chỉ để bày bán mà đối với những hộ dân yêu nghề đó còn là tác phẩm nghệ thuật, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống để thế hệ sau có cơ hội chiêm ngưỡng và tự hào.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *