Liệu mối quan hệ tình cảm này có lành mạnh?

Bạn Có Đang Thật Sự Ở Trong Một Mối Quan Hệ Lành Mạnh Hay Không?

Tình yêu
Mất:8 phút, 0 giây để đọc

Bạn có thể đang đặt ra câu hỏi: Liệu mình có đang ở trong một mối quan hệ an toàn hay không? Hãy kiểm tra ngay bằng 6 dấu hiệu này nhé.

 

Kết nối xã hội là một nhu cầu thiết yếu của con người hiện đại; đặc biệt là về mặt tình yêu. Nghiên cứu của Đại học Stanford cho thấy, những người ở trong một mối quan hệ lành mạnh sẽ có sức khỏe tốt hơn và hành xử tử tế hơn. Đồng thời, mối quan hệ yêu đương an toàn cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong hơn.

Các nhà tâm lý học đã đưa ra định nghĩa cơ bản về một mối quan hệ an toàn, với ba yếu tố quyết định. Đó là tôn trọng không gian riêng của nhau; cùng chung một phạm vi quan điểm sống; và củng cố niềm tin với đối phương.

Thiếu đi ba điều trên, mối quan hệ sẽ không vững chắc. Tình cảm bộc phát nhất thời có thể khiến bạn như bay bổng trên mây. Nhưng sự gắn bó dài lâu có ý nghĩa nhiều hơn những giây phút và cảm xúc. Để xây dựng sự liên kết bền chặt như vậy đòi hỏi thời gian, nỗ lực, sự kiên trì và một cái nhìn sâu sắc vào bản chất bên trong mối quan hệ. Nhưng làm thế nào để biết mối quan hệ hiện tại của mình có ổn; và nếu không, cần làm gì để cải thiện điều đó?

1. Đặt câu hỏi cho một mối quan hệ lành mạnh:

Hãy tự hỏi xem các bạn__

  • Có tin tưởng nhau không?
  • Có tôn trọng nhau không?
  • Có ủng hộ sở thích và cố gắng của người kia không?
  • Có chân thành và cởi mở với nhau không?
  • Có giữ được bản sắc cá nhân không?
  • Có kể với nhau về cảm xúc, hy vọng, nỗi sợ và ước mơ không?
  • Có cảm nhận được và thổ lộ được tình yêu không?
  • Có bình đẳng trong mối quan hệ không?

Nhu cầu của mỗi người là khác nhau. Nhưng trong một mối quan hệ lành mạnh, mỗi người đều có thể có được điều họ cần. Mối quan hệ sẽ bền chặt khi mỗi người hiểu được rằng ai cũng có phần trong đó; và trên hết, cần có nỗ lực từ các bên để duy trì kết nối và cứu vãn sai lầm.

 

2. Biểu hiện của mối quan hệ lành mạnh

Tuy hình thức khác nhau nhưng vẫn có một số tiêu chí cốt lõi để nhận ra đâu là một mối quan hệ lành mạnh.

Tin tưởng.

Sự tin tưởng là yếu tố chủ chốt trong mọi mối quan hệ lành mạnh. Khả năng tin tưởng người khác phụ thuộc vào kiểu gắn kết của bạn. Những mối quan hệ đầu đời của bạn sẽ định hình mối quan hệ trong tương lai. Nếu những mối quan hệ trong quá khứ luôn ổn định và đầy tin tưởng thì bạn sẽ dễ dàng tin tưởng nửa kia tương lai hơn. Còn nếu không, khả năng cao là bạn phải vượt qua khủng hoảng niềm tin để có thể mở lòng.

Niềm tin sẽ được nuôi dưỡng qua cách đôi bên đối xử với nhau. Nếu như người kia đối xử với bạn tử tế và luôn sẵn lòng có mặt khi bạn cần, bạn sẽ dễ dàng vun đắp niềm tin hơn.

Để gầy dựng sự tin tưởng, cả hai cần sẵn sàng thổ lộ về bản thân mình. Theo thời gian, cơ hội để thử thách và đánh giá niềm tin sẽ dần xuất hiện. Nếu niềm tin bền vững, mối quan hệ sẽ là nơi mang lại yên bình và an toàn. Nếu như bạn cảm thấy mình cần phải giấu giếm người kia, có lẽ bạn đang thiếu đi niềm tin cốt yếu.

Cởi mở và chân thành.

Trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn nên được là chính mình. Mỗi cặp đôi đều có mức độ cởi mở khác nhau, tuy nhiên, bạn không bao giờ nên cảm thấy mình cần giấu người kia điều gì, hoặc phải thay đổi bản thân mình. Mở lòng và chân thành không chỉ giúp cặp đôi thêm gắn kết mà còn giúp củng cố niềm tin.

Bộc lộ bản thân nghĩa là bạn sẵn lòng chia sẻ về bản thân mình cho người kia. Có thể lúc đầu bạn sẽ cẩn trọng và cân nhắc về những gì mình tiết lộ, nhưng theo thời gian, theo sự gắn kết ngày một bền chặt, mỗi người bắt đầu kể nhiều hơn về bản thân, chia sẻ suy nghĩ, ý kiến, niềm tin, sở thích, và cả ký ức nữa.

Nói vậy không có nghĩa là bạn cần nói hết mọi thứ. Ai cũng cần có sự riêng tư, không nhất thiết phải kè kè mọi nơi hay nói tất tần tật mọi thứ. Vấn đề ở đây là bạ

n có thoải mái khi chia sẻ hay không.

Có nhiều ý kiến trái chiều về việc thành thật bao nhiêu là đủ. Một nghiên cứu đã chỉ ra, tốt nhất là nếu bạn cảm thấy không thoải mái về mức độ thành thật của nửa kia thì nên trao đổi thẳng thắn với nhau. Như vậy, sự thành thật sẽ là chất keo giúp gắn kết mối quan hệ thêm bền vững.

Đặt giới hạn lành mạnh trong một mối quan hệ sẽ giúp bạn được làm những thứ quan trọng với bản thân, chẳng hạn như gặp gỡ bạn bè, giữ gìn sự riêng tư, trong khi vẫn có thể chia sẻ những điều quan trọng với nửa kia của mình.

Tôn trọng lẫn nhau.

Không có tôn trọng lẫn nhau thì không thể hình thành mối quan hệ lành mạnh. Đây là một vài cách mà các cặp đôi thể hiện sự tôn trọng đối với người kia:

  • Lắng nghe
  • Không trì hoãn khi người kia nhờ vả
  • Thấu hiểu và tha thứ khi người kia mắc lỗi
  • Giúp nhau trở nên tốt hơn, không làm nhau tệ đi
  • Dành cho nhau một vị trí trong cuộc sống
  • Quan tâm đến những điều người kia yêu thích
  • Tôn trọng điều riêng tư của nhau
  • Ủng hộ đam mê của nhau
  • Thể hiện sự trân trọng đối với người kia
  • Cảm thông cho nhau

Thương yêu.

Yêu thương và quan tâm là điều then chốt làm nên mối quan hệ lành mạnh. Nghiên cứu chỉ ra, ngọn lửa đam mê ban đầu sẽ giảm dần theo thời gian,;nhưng những nhu cầu được yêu thương, săn sóc, quan tâm thì vẫn còn đó.

Theo nhà tâm lý học Elaine Hatfield, có hai loại tình cảm lãng mạn; đó là tình cảm đam mê (passionate love) và tình yêu thương (compassionate love). Những tình yêu đam mê ban đầu được hình thành từ sự thu hút, cảm xúc mãnh liệt, và nhu cầu về những cử chỉ gần gũi. Càng về sau, cảm xúc đam mê đó sẽ dần được vun đắp bằng yêu thương, tin tưởng, thân mật, ràng buộc, cuối cùng chuyển thành tình yêu thương.

Khi những cảm xúc mãnh liệt ban đầu dần giảm xuống mức độ bình thường, chính sự thân mật và ràng buộc sâu sắc sẽ giúp các cặp đôi lành mạnh duy trì được mối quan hệ của mình.

Tuy nhiên, không có quy định chung nào về mức độ gần gũi giữa các cặp đôi. Mấu chốt ở đây là cả hai đều hài lòng với mức độ họ cho và nhận. Có rất nhiều cách để thể hiện và vun đắp mối quan hệ trên nền tảng săn sóc và yêu thương.

Giao tiếp.

Yếu tố không thể thiếu để duy trì một mối quan hệ lành mạnh và bền lâu, dù là tình bạn hay tình yêu, là cần phải giao tiếp được với nhau.

Nghiên cứu cho thấy rằng cách giao tiếp mới là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng ly hôn của một cặp vợ chồng, chứ không phải là sự căng thẳng, thân mật hay tính cách.

Chúng ta thường nghĩ một mối quan hệ tuyệt vời là khi không vướng vào cãi cọ, biết cách tranh luận và giải quyết khác biệt giữa đôi bên thay vì im lặng né tránh chủ đề. Nhưng đôi lúc, tranh cãi lại là cơ hội để thắt chặt kết nối với người kia. Nhất là trong những vấn đề nghiêm túc, tranh cãi sẽ giúp cả hai tạo ra thay đổi có lợi cho mối quan hệ trong tương lai.

Một cuộc tranh cãi lành mạnh sẽ không có công kích cá nhân, thay vào đó luôn giữ được sự tôn trọng và thấu cảm, từ đó hai bên có thể trao đổi suy nghĩ và cảm xúc để cùng tìm giải pháp cho vấn đề.

Cho và nhận.

Để một mối quan hệ lâu dài thì cần có cho và nhận. Không phải là tính toán ai nợ ai, bạn làm điều gì đó cho người kia là vì bạn thực lòng muốn. Việc cho và nhận cũng không thể nào luôn cân bằng 50 – 50. Có lúc người này cần nhiều sự giúp đỡ hơn, có lúc ngược lại. Miễn là cả hai đều cảm thấy ổn với điều đó và đều nhận được thứ họ cần.

Bài viết bởi Kendra Cherry trên Verywell Mind.

Nguồn: Vietcetera.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *