Tại Sao Bạn Dần Chán ngán Cuộc Tình Của Mình – Tâm Lý Học

Tình yêu
Mất:6 phút, 9 giây để đọc

Bạn cảm thấy ‘lửa yêu’ không còn nồng cháy nữa, và bắt đầu có cảm giác chán ngán lẫn nhau Đừng lo, ‘nản’ trong tình yêu là hiện tượng bình thường. Hãy để tâm lý học giải thích và tìm cách khắc phục giúp bạn.

Mỗi cuộc tình là một chặng đường cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau. Và cảm giác “chán nhau” là một trong những cung bậc ấy. Tuy nhiên, trạng thái cảm xúc này thường bị ngầm nhận định là cấm kỵ; bởi quan niệm thường thấy là ‘chán’ sẽ dẫn đến ‘đổ vỡ’.

Nhưng các nhà tâm lý học khẳng định rằng, điều này trong một mối quan hệ lâu dài là hoàn toàn bình thường; không hẳn do đã hết tình cảm. Đây là 5 lý do chân chính giải thích cho hiện tượng này:

1. Cảm xúc mãnh liệt không tồn tại mãi

Não bộ con người đã được thiết lập để thích nghi với cảm xúc mãnh liệt; bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực. Các nhà khoa học gọi đó là ‘thích nghi khoái lạc’ (hedonic adaptation) hoặc ‘vòng xoáy khoái lạc’ (hedonic treadmill). Khi trải qua bất cứ sự kiện nào, tích cực hoặc tiêu cực; những cảm xúc thăng trầm đột ngột sẽ xuất hiện nhất thời. Tuy nhiên sau đó; theo thời gian; chúng sẽ phai dần và trở về trạng thái ổn định.

(Hình minh họa)
(Hình minh họa)

Đây là lý do mà nhiều người cảm thấy dù có bao nhiêu tiền cũng không đủ, bởi vì họ thích nghi với hoàn cảnh (có nhiều tiền) rất nhanh và cần nhiều tiền hơn nữa để tìm lại cảm giác hạnh phúc đó.

Nếu không có khả năng tự quên đi cảm xúc cũ, con người sẽ bị choáng ngợp bởi tất cả những cảm xúc chồng chất và mất đi khả năng thích nghi với hoàn cảnh. Nhưng đồng thời, bạn cũng dễ quên đi những cảm xúc vui vẻ, tuyệt vời đã từng có với nửa kia. Theo thời gian, những sôi nổi, nồng nhiệt rồi cũng lắng xuống, dần mất đi tính nổi bật và lẫn vào những ký ức khác trong tâm trí của chúng ta.

2. Bạn nhầm lẫn rằng thăng trầm mới thú vị

Những người trải qua mối tình nhiều thăng trầm thường có một cảm giác lo âu nhất định. Đây là một trong những chất xúc tác làm họ cảm thấy đối phương trở nên thu hút hơn thực tế.

Trong một mối quan hệ như vậy, họ thường không biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, dẫn đến nhầm lẫn rằng đây là cảm xúc thú vị và cần thiết. Đến khi bước vào một mối quan hệ khác tương đối ổn định và không có nhiều biến cố, họ sẽ dễ cảm thấy nhàm chán.

3. Thiếu tính mới lạ

Trong giai đoạn chớm nở, chúng ta thường dành nhiều thời gian tìm hiểu nhau qua nhiều trải nghiệm mới lạ. Những “khao khát mãnh liệt muốn được ở bên nhau” trong thời gian này còn được gọi tên là tình yêu đam mê (passionate love).

Tuy nhiên, theo thời gian, não bộ chúng ta quen dần với những trải nghiệm đó. Các chất hóa học – như oxytocin tạo cảm giác gần gũi và mở lòng, dopamine tạo hiệu ứng trao thưởng khiến bạn hưng phấn với những cái chạm hay nụ hôn – dần mất đi tác dụng.

Giáo sư tâm lý Arthur Aron, cha đẻ của “36 câu hỏi đến gần nhau hơn” cũng khuyên rằng, chúng ta cần thường xuyên thực hiện những điều mới mẻ, thú vị để giữ mối quan hệ bền lâu. Xua đi sự nhàm chán, chán ngán thật ra không khó. Kể cả khi chưa trải nghiệm điều gì mới, chỉ lên kế hoạch và trông chờ vào nó thôi cũng đã củng cố những cảm xúc tích cực như vui sướng, háo hức, và mong chờ rồi.

(Hình minh họa)
(Hình minh họa)

4. Thiếu sự thân mật

Trong một mối quan hệ lâu dài, những tình cảm đam mê ban đầu sẽ dần chuyển thành tình yêu thương (compassionate love). Những cặp đôi trong giai đoạn này vẫn cảm thấy nồng thắm với đối phương; nhưng nhiều hơn là sự quan tâm, thấu hiểu và gắn bó sâu sắc; dù đang hạnh phúc hay khó khăn; kể cả lúc xảy ra bất đồng. Và sự thân mật là một trong những yếu tố xây đắp nên tình yêu thương này; bên cạnh việc cam kết và tin tưởng.

Sự thân mật không chỉ được thể hiện qua quan hệ tình dục; mà còn bao gồm cả những lời nói tán tỉnh nhau, tin nhắn trêu đùa và cử chỉ ngọt ngào. Khi quá bận bịu, hoặc đang phải đối mặt với nhiều điều tiêu cực, những cặp đôi đã yêu lâu thường có xu hướng bớt gần gũi với đối phương. Chính điều này dễ dàng khiến cho mối quan hệ trầm xuống.

5. Hai bên giao tiếp bằng ngôn ngữ tình yêu khác nhau

Một trong những khó khăn khi yêu đó chính là bày tỏ được cảm xúc của mình một cách ý nghĩa và rõ ràng đến với đối phương. Muốn làm được điều này, trước hết hai bên cần hiểu rõ ngôn ngữ tình yêu của nhau.

Hiểu rõ ngôn ngữ tình yêu của mình là để dễ dàng trao đổi điều đó với nửa kia. Còn hiểu rõ của nửa kia là để bạn thể hiện tình yêu theo cách khiến họ cảm nhận được nhiều yêu thương nhất.

(Hình minh họa)
(Hình minh họa)

Ngôn ngữ tình yêu có 5 loại:

  • Thời gian bên nhau (Quality time);
  • Quà tặng (Gifts);
  • Sự chu đáo (Acts of Service);
  • Lời yêu (Words of Affirmation);
  • Những cái chạm (Physical touch).

Nếu đang giao tiếp bằng hai ngôn ngữ tình yêu khác nhau mà không hay biết, bạn và nửa kia sẽ khó thông cảm những bất đồng và đáp ứng được nhu cầu của nhau. Ví dụ, ngôn ngữ tình yêu của bạn là những cái chạm nhưng đối phương lại chỉ tặng quà và ít bày tỏ sự thân mật thì bạn sẽ không cảm thấy được yêu thương đủ nhiều.

Kết

“Một cuộc hôn nhân hạnh phúc có thể trở nên phiền toái. Bởi nó như một bản hợp đồng cần được gia hạn liên tục; dù chỉ thực hiện trong thầm lặng và kín đáo; thậm chí là một mình.” ― Michelle Obama

Không mối quan hệ nào miễn nhiễm với cảm giác chán ngán lẫn nhau do đã ở bên nhau lâu ngày; và không phải lúc nào sự chán ngán này cũng là dấu hiệu rằng cả hai không dành cho nhau.

Nhiều cặp đôi có thể đã vô tình hoặc tự ý thức được những nguyên nhân chủ quan kể trên. Nhờ đó, họ chủ động thay đổi để vượt qua giai đoạn “chán ngán” và tìm lại những cảm xúc vẫn luôn dành cho nhau, chỉ là dần bình lặng đi, ít khẩn trương hơn trước, và đang chậm rãi hoà vào sinh hoạt thường ngày.

Nguồn: Vietcetera.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *